Biến thể đủ mọi kiểu để “chửi cho lịch sự”?
Chịu khó đi dạo một vòng quanh các forum dành cho học sinh, sinh viên, cộng đồng teen, không khó để bắt gặp những từ chửi tục được viết tắt nhưng “không nói ra thì người đọc cũng tự hiểu”.
Có những từ được cộng đồng mạng tự chế ra theo cách biến thể của từ tiếng Anh và có vẻ như họ rất thích thú với điều này, chẳng hạn như “very kool” (thay vì ghi vkl — một từ chửi bậy), “vice-car-loan” (một từ được các cư dân mạng sử dụng phổ biến gần đây và lấy làm thích thú, ý nghĩa giống “very kool”, từ tiếng Anh dịch ra tiếng Việt là “phó xe vay”)…
Ý tưởng của họ luôn không giới hạn và còn rất nhiều từ khác đa dạng để họ “chửi tục một cách lịch sự”. Thậm chí trên Facebook có rất nhiều hội có tên là 1 chữ duy nhất dùng để văng tục, có hàng ngàn người like, và admin thì rất chăm quản lý hội bằng cách post những câu status hoặc truyện cười có liên quan đến nội dung này.
Chửi tục đã theo không ít bạn trẻ "online" (ảnh minh họa)
Lạm dụng quá mứcBạn Windy Kool (thành viên một diễn đàn trên mạng) bày tỏ: “Khi thảo luận về một chủ đề nào đó mà không vừa lòng, mọi người thường hay đệm những từ không hay như “bm”, “đệt”, “clgt”, “cmnr”, “vl”…
Theo mình nghĩ rằng họ muốn chứng tỏ, thể hiện, hay làm một cái gì đó để lôi kéo sự chú ý của mọi người vào mình. Dù rằng viết tắt nhưng mình nghĩ không hay chút nào nếu mỗi câu đều có những tiếng đệm như vậy.
Nhiều bạn cho rằng: “Ở trên mạng thì muốn chửi sao thì chửi, con trai nói chuyện mà không chửi thì như…gay ấy”, mình cảm thấy không đồng tình chút nào”.
Đi dạo lòng vòng quanh Facebook hoặc xem các status của những người chuyên “nằm vùng” ở các forum, thật không khó để thấy họ “văng tục” mỗi ngày (đặc biệt là con trai), dù vấn đề họ chia sẻ chẳng có gì phải bày tỏ cảm xúc quá khích như thế.
Trên FB của bạn T.A.V (20 tuổi, sinh viên ĐH Văn Lang), dù chỉ đơn giản là chia sẻ một clip hay trên Youtube, bạn ấy cũng ghi “vl” hoặc “ôi đệt”. Bạn bè ban đầu dần khó chịu, về sau cũng tập chấp nhận, nhưng có một số người hạn chế vô Facebook của V để tránh bị “đầu độc”, vì rất có thể điều này sẽ tạo nên một thói quen không hay
Cá tính hay thói xấu?
Nhiều bạn thường phân biệt rạch ròi giữa “ảo” và “thật” nên luôn yên tâm rằng những con chữ đằng sau màn hình cũng chẳng hại ai, lâu lâu đệm vào để “chém gió” cho vui, để không bị xem là “yểu điệu”, “ngoan quá mức”, “không sành điệu”…
Tuy nhiên, thói quen có thể tạo nên tính cách, bạn có thể làm những gì bạn hay nghĩ đến. Do vậy, nếu “quen tay” đánh máy hoặc thường xuyên tiếp cận những từ không hay, bạn có khuynh hướng chạy theo nó và có thể bất ngờ “phát ngôn” khi trò chuyện ngoài đời thật với bạn bè. Khi ấy, mọi ấn tượng tốt đẹp về bạn gần như sụp đổ trong mắt mọi người.
Hãy nghiêm túc trong mọi hoàn cảnh, dù cho có nói tục đôi lần trên mạng cũng “chẳng hại ai”, nhưng hậu quả về nó cũng ảnh hưởng đến bạn lâu dài.
Thử tưởng tượng về một ngày nào đó, người quen đọc được những dòng chữ “hơi thiếu văn hóa” của bạn, dù là viết tắt, thì cách nhìn của họ về bạn sẽ đảo chiều. Nói bậy không phải là một cá tính, nó là thói xấu, và nếu bạn không thay đổi ngay từ bây giờ, người bị ảnh hưởng trực tiếp, chính là bạn.
Tin shock - Tin hot - Scandal